Những cảnh báo về tăng trưởng “nóng” trong chế biến cà phê

Sự có mặt của ngày càng nhiều tên tuổi nước ngoài trong lĩnh vực chế biến cà phê cùng với sự kiện công ty Vinacafe Biên Hòa vừa khởi công nhà máy chế biến có tổng công suất đến 3.200 tấn, gấp 40 lần công suất nhà máy đầu tiên đã khiến không ít người ngạc nhiên và đặt câu hỏi liệu lĩnh vực này thật sự đang nóng lên?

Chỉ trong ít năm trở lại đây, hàng loạt các tên tuổi trên thị trường cà phê hòa tan như Vinacafe Biên Hòa, Nescafe, Trung Nguyên, Thái Hòa và nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài đã tổ chức khánh thành, mua thêm hoặc nâng công suất chế biến cà phê hòa tan nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu.

Gần đây nhất, vào giữa tháng 12, công ty Vinacafe Biên Hòa, theo một khảo sát đang chiếm 50% thị phần cà phê hòa tan ở Việt Nam, đã đầu tư 500 tỉ đồng xây dựng nhà máy chế biến có công suất chế biến 3.200 tấn cà phê hòa tan nguyên chất/năm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Marketing và bán hàng công ty Vinacafe Biên Hòa cho biết nhà máy thứ 3 với công suất chế biến lên đến 3.200 tấn cà phê hòa tan trong một năm nằm trong chiến lược phát triển đến năm 2020, nhắm đến phần lớn là thị trường xuất khẩu và một phần thị trường nội địa.

Ba tháng trước, công ty Trung Nguyên cũng tiến hành mua lại một nhà máy chế biến cà phê của công ty Vinamilk với công suất 1.500 tấn cà phê hòa tan và 2.600 tấn cà phê rang xay mỗi năm, thêm vào số lượng 4 nhà máy chế biến Trung Nguyên hiện có. Trước đó báo chí cũng đưa tin, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài là Ngon cà phê đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến ở tỉnh Đăk Lăk có tổng công suất lên đến 10.000 tấn cà phê hòa tan/năm.

Lĩnh vực chế biến cà phê cũng ghi nhận sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến xây dựng nhà máy chế biến, tập trung gần các vùng nguyên liệu như Olam, Jayangti của Singapore tuy thực chất đầu ra của một số nhà máy chưa hẳn là sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng mà chủ yếu để bán lại cho công ty mẹ có mạng lưới phân phối ở nhiều nước trên thế giới.

Ông Tùng đánh giá, tăng trưởng trung bình hàng năm của thị trường nội địa của sản phẩm cà phê rang xay hay cà phê hoà tan tuy vào khoảng 10-15% nhưng cũng không thật hấp dẫn đối với các doanh nghiệp chế biến nên xuất khẩu vẫn chiếm một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, trong chiến lược phát triển đến năm 2020 của Vinacafe Biên Hòa sẽ nâng tỷ trọng xuất khẩu lên 60-70% sản lượng.

Đánh giá về sự phát triển “nóng” của hàng loạt dự án nhà máy chế biến cà phê đặc biệt trong vòng 1 năm trở lại, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận xét, một mặt đây là tin tốt cho thị trường cả trong nước lẫn xuất khẩu.

Tuy nhiên,ông Nam cũng cảnh báo lợi nhuận dioanh nghiệp trong lĩnh vực này có khả năng giảm so với trước. Nguyên nhân là nếu như trước đây các nhà chế biến mua nguyên liệu đầu vào là cà phê chỉ ở mức 15.000 đến 20.000 đồng/kg thì hiện nay giá cà phê nhân xô đã vọt lên 35.000 đồng/kg, chưa kể giá các loại vật tư và phụ gia chế biến cũng tăng mạnh. Ông Nam cũng lưu ý việc mở rộng tầm vóc kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ đưa đến một mức độ cạnh tranh hoàn toàn khác so với trước đây.

“Các doanh nghiệp đang hướng xuất khẩu đến các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ nơi mà nhu cầu tiêu thụ cà phê cũng tăng nhanh. Nhưng với việc mở rộng quy mô lẫn thị phần xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước sẽ tham gia sân chơi lớn và cạnh tranh cùng nhiều tập đoàn đa quốc gia, nên họ cần đánh giá đúng mức rủi ro để đưa ra chiến lược thích hợp chứ không đơn thuần chỉ cần đầu tư vào nâng cao năng suất”, ông nói.

Theo đánh giá của VICOFA, mặc dù doanh nghiệp trong ngành đầu tư ngày càng nhiều cho khâu chế biến như xây nhà xưởng, nhập khẩu các trang thiết bị hiện đại nhưng tỷ lệ cà phê thành phẩm, có giá trị xuất khẩu cao chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với cà phê nhân chiếm chủ đạo trong cơ cấu xuất khẩu ngành. Trong một thống kê gần đây, số lượng cà phê qua chế biến được xuất khẩu của Việt Nam chỉ nằm ở mức 10.000 đến 20.000 tấn, chiếm chỉ khoảng 2% tổng lượng xuất khẩu hiện nay vào khoảng 1,1 triệu tấn.

Nguồn: SGTimes

Các bài khác » Nhiều hơn

Gửi ý kiến