Tìm hiểu TT cà phê – Phần 2: Tổng hợp, phân tích và đưa ra nhận định

Phần 2: Tổng hợp, Phân tích thông tin và Nhận định

Xin chào các bạn,

Tôi cảm thấy rất vui khi bài viết Phần 1 của mình được các bạn quan tâm đọc, cho dù có ý kiến đồng tình hay chưa đồng tình thì cũng là nguồn động viên để tôi tiếp tục mạnh dạn chia xẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề cung và cầu của cà phê.

Xêm thêm: > Phần 1: Phân Tích và Dự Đoán

Như tôi đã tự giới thiệu từ đầu, tôi là một nông dân, do đó điều tôi trình bày với các bạn cũng trên quan điểm của người nông dân, từng vui mừng với những khi trúng giá cũng như buồn thiu khi trả giá. Điều tôi đang nói với các bạn đúng hơn chỉ là một lời kể về những cái ngu của mình chứ không có ý phân tích hay định hướng gì cả.

Xin các bạn lưu ý cho rằng, những từ tôi dùng như phân tích và dự đoán trong bài là những điều mà mình tự tổng hợp, phân tích và dự đoán, chứ không có nghĩa tôi là nhà phân tích, dự đoán.

Thật là bất ngờ khi trong World Cup vừa qua, hai ông lớn Brazil và Argentina đá hay đến thế mà phải xách khăn gói về nước sớm, không biết bao nhiêu tin tức về mọi mặt được tổng hợp, các chuyên gia từ “bình luận” cho đến “bình loạn” phân tích và đưa ra nhận định nhưng cuối cùng Tây Ban Nhà rinh cúp về nước – đúng là sự đời nhiều khi tưởng vậy mà không phải vậy.

Khi cơn bão kinh hoàng Katrina tràn vào New Orleans – Hoa Kỳ vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 2005, hàng loạt tin tức từ Mỹ đưa về: New Orleans là một thành phố mà 70% diện tích nằm dưới mặt nước biển, thành phố này là một trong những cửa khẩu lớn nhập cà phê vào nước Mỹ, rất nhiều kho chứa hàng, phân loại chờ rang xay được xây dựng tại đây, sóng nước biển có khả năng dâng cao đến 8mét. Tất cả những tin trên đều là thật cả, không có nửa lời nói ngoa.

Nghe đến đây nếu các bạn là người đang ở vị thế mua hoặc là người chuẩn bị bán cà phê hay bạn là nhà đầu cơ đang tìm cơ hội bạn sẽ làm gì? Câu trả lời hẳn là đã quá rõ ràng, thì lo mà mua vào chứ còn hỏi gì nữa, còn ai chưa bán thì từ từ rồi bán!

Trong kinh doanh đây là thời cơ mà người ta cần chộp lấy, còn nông dân chúng ta ghim hàng lại không vội vàng bán ra, để rồi khi cơn khủng hoảng lên đến đỉnh điểm chúng ta sẽ bán – nếu trúng, thế nào vợ mình cũng khen “anh thật giỏi, không những biết cách bón phân cho trúng mưa rồi mà còn biết nắm lấy thời cơ khi nào đánh, khi nào hòa”.

Quả thật sau những biến cố như thế giá cà phê lúc đó đã có tăng, do người ta mua vào nhất là giới rang xay vì sợ hàng hóa hư hỏng sẽ không được giao đúng hạn, vì sợ rằng nếu không mua thì giá còn tăng nữa…thế nhưng chúng ta có nghĩ rằng: vậy thì cha điên nào đã bán ra lúc đó cho chúng ta mua nhỉ? Xin thưa, những người mà tôi đã nghĩ là điên mà đi bán lúc đó thật ra họ rất tỉnh táo, họ đã bán vì những lý do sau:

1/ Trước đây họ đã mua vào với giá hạ rồi, nay thời cơ bán đã đến, đã có lời rồi thì bán vì an toàn (hành động này có thuật ngữ của nó đàng hoàng đấy nha, gọi là Take Profit).

2/ Họ đã nắm trong tay thông tin cập nhật hàng ngày và biết rõ rằng những kho hàng đều được xây dựng ở những vùng cao trên 2 mét so với vùng bị ngập. Gió bão có ảnh hưởng thì cũng tốc mái là cùng mà thôi, trong khi chúng ta đang theo đuổi với kiểu tin một thổi lên mười.

3/ Họ cập nhật và phân tích thông tin liên tục và tỉnh táo đưa ra nhận định nên làm gì khi cơ hội này đến, những mốc giá bán nào là tốt nhất, có khi thêm mắm dặm muối vào những bản tin nghe cho nó kinh hoàng hơn nữa để mà bán càng gần điểm đỉnh càng tốt. Thậm chí chính họ là những người đưa ra giá chào bán thật cao, rồi cũng chính họ mua vào cái lô giá cao mà họ vừa đưa ra chào bán nhằm kéo thị trường chạy đua theo, để tạo cho các chú “Nai vàng ngơ ngác” cái cảm giác “trời sắp sập” đến nơi.

Họ đi theo từng diễn biến của cơn bão cho đến khi bão gần tan và đến thời điểm họ không muốn giá tăng nữa, hoặc cảm thấy tình hình thực tế không còn đẩy giá được nữa, cũng có thể họ là những người đầu tiên đưa ra tin ngược lại và bây giờ họ chuyển qua là người đầu cơ giá xuống.

Chúng ta đã thấy sau đó các bản tin cuối ngày báo cáo rằng thiệt hại của bão Katrina là vô cùng lớn, nhưng may mắn là những kho hàng cà phê không bị thiệt hại nặng nề, lượng hàng các nơi khác sẽ tạm thời bổ sung cho nguồn hàng từ New Orleans trong những ngày tắt đường – “Xẹp” đó là cái từ mà chúng ta có thể mô tả giá lúc đó, như một quả bóng đang căng bỗng nhiên xì hơi.
Thiên hạ giờ đây lại đổ xô đi bán, vị trí bán-mua nay đã được hoán chuyển, từ người rượt đuổi người khác ngày hôm qua, nay lại bị người ta rượt đuổi.

Tôi muốn kể lại với các bạn mẫu chuyện ví dụ có thật trên để chúng ta dễ dàng chung quan điểm với nhau rằng: cùng là Phân tích và Dự đoán với nhau cả, nhưng nay kẻ thì khóc, người thì cười bởi cái được và mất quá lớn của mình. Cũng như sự đời ai nên khôn mà không trót một lần, cho dù bạn có ghét hay thương, cho dù bạn có chấp nhận hay không chấp nhận thì con người ta cũng không thể chối bỏ những tác động của thông tin giả có, thật có, luôn tràn ngập quanh mình hàng ngày, sự thành bại chỉ khác nhau trong gang tấc từ chuyện chúng ta xử lý thông tin đó như thế nào, điều này hẳn là còn đúng cho nhiều lĩnh vực khác.

Trong bài tiếp theo tôi xin hầu chuyện các bạn về nội dung: Thông tin giả, nhưng tác động thật và Stop Loss (ngưng thua lỗ) sự trả giá quá kinh hoàng. (Còn tiếp …)

Phần 3: Thông tin giả, nhưng tác động thật và Stop Loss

Tác giả: Kinh Vũ (Y5cafe)

Các bài khác » Nhiều hơn

Gửi ý kiến