Tìm hiểu TT cà phê – Phần 3: Thông tin và tác động

Thị trường kinh doanh cà phê không đơn giản chỉ là chuyện anh cần tôi có và tiền trao cháo múc. Nếu đơn giản thế thì thời gian qua đã không có chuyện vỡ nợ, bỏ trốn vì “thời tiết ở Brazin” vì “đồng bạc xanh tăng giá”, và vì hàng trăm cái lý do trên trời khác để cho hàng chục đại lý phải đêm hôm bỏ trốn mang theo cả công sức lao động trong một năm trời của người nông dân.

Mời bà con theo dõi tiếp phần 3 của loạt bài nói về những yếu tố tác động đến thị trường cà phê của tác giả Kinh Vu để hiểu thêm về những góc khuất mà xưa nay chưa ai nói.

Xem thêm:
> Phần 1: Phân Tích và Dự Đoán
> Phần 2: Cập nhật, Tổng hợp, Phân tích thông tin và Nhận định

Phần 3: Thông tin và tác động

Mùa đông Brazil thường diễn ra trong khoảng từ 21/6 đến 25/8 hàng năm, đây là thời gian lạnh nhất trong năm, biểu đồ giá cà phê luôn có tỷ lệ nghịch với hàn thử biểu trong giai đoạn này, chỉ với một bản báo cáo đêm qua nhiệt độ những vùng trồng đã xuống thấp dưới 0°C hoặc dự báo trong những ngày tới sẽ rất lạnh thì hầu như ngày hôm sau thế nào giá cũng tăng, hoặc ít nhất là không sụt thêm nữa. Chúng ta đừng đòi hỏi tính chính xác bản tin đó được bao nhiêu phần trăm, khoan nói đến chuyện có sương giá hay không sương giá, người kinh doanh thường thuận theo thời cơ này để mà mua hay bán, người nông dân cũng nên lợi dụng thực tế này để bán thành quả của mình.

Thực ra nhiệt độ xuống thấp gần 0°C chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để tạo ra sương giá tại Brazil, còn một điều kiện thứ hai nữa nhưng trong các bản tin ít khi đề cập đến đó là áp suất của cột áp cao thường di chuyển từ miền nam Brazil đi lên, cột áp cao này phải đạt trên 1030mb mới có khả năng gây ra sương giá, theo thống kê thì những cột áp cao nhưng đi ngang từ phía đông vào thì khó có khả năng gây ra sương giá, một cột áp cao nhưng xảy ra trước ngày 21-6 hay sau ngày 25-8 thì cũng khó gây ra sương giá. Theo đây thì khả năng xảy ra sương giá gây hại như năm 1994 cũng không dễ dàng xuất hiện, vì vậy cho nên sự đặt cược vào cuộc chơi thời tiết này cần sự cân nhắc và thông tin đầy đủ.

Nhiều khi tôi thấy cũng như trong cuộc đời, mình phải tự tìm cho mình Thầy hiền Bạn tốt, lên mạng tìm đọc thông tin cũng vậy mình phải tự cảm nhận và tìm hiểu đối chiếu thông tin đọc được, huống hồ là trong mua bán kinh doanh hay phát triển cho kinh tế riêng của gia đình nhằm định hướng thời điểm bán cái thành quả cả năm trời của bao nhiêu thành viên mới có được.

Vì vậy mà việc chia xẻ học hỏi lẫn nhau qua lần thất bại hay sự thành công trong cộng đồng là điều cần thiết để nhanh chóng rút ra những kinh nghiệm, đừng vội bài bác luật chơi đã có từ bao đời nay bởi vì nó khắc nghiệt với bạn, cái biểu đồ cà phê tăng giảm xưa nay vẫn thế, bản thân biểu đồ này bị tác động bởi thông tin thật giả lẫn lộn, nếu có liên quan đến nó chúng ta hãy tận dụng cơ hội để tìm hiểu, đừng đòi nó thông cảm với ta, đừng trách tại sao có yếu tố giả lẫn vào trong đó.

Trừ Lùi (Differential)

Nói đến vấn đề trừ lùi đầu tiên chúng ta phải định nghĩa rằng giá cả mà chúng ta nhìn thấy giao dịch trên thị trường hàng ngày là giá hàng giao tại cảng đến, về lý thuyết thì khi mua cà phê thì người ta thường nói rằng: Giá cà phê giao tháng 9 tại cảng A hôm qua đã kết thúc ở mức 1730$ như vậy nếu người mua chỉ yêu cầu bạn giao tại cảng của người bán mà ta thường gọi là FOB Hồ Chí Minh, FOB Hải phòng… thì đương nhiên họ phải trừ đi một khoản để còn chi phí cho vận chuyển, bảo hiểm…

Lâu dần theo sự biến hóa của thị trường, khoản trừ lùi này không chỉ vì những lý do nêu trên mà còn vì chất lượng, uy tín của thương hiệu cà phê của nước này so với nước khác, nên khoản trừ lùi đó sẽ khác nhau, khi ta nói giá cà phê tháng 9 hôm qua tại London giá 1730USD/tấn, thật sự đó là nói tắt thôi chứ chưa đủ nghĩa, mà còn chỉ định rõ cà phê đó chất lượng như thế nào nữa, trong giới mua bán cà phê thì ai cũng ngầm hiểu đó là loại cà phê R2 với 1% tạp chất, 5% đen vỡ, 13% độ ẩm, 90% trên sàng 13 (5ly), bởi đây là loại cà phê có chất lượng mà khả năng chúng ta có thể chế biến được hồi xưa.

Cũng trong cùng thời điểm đó nhưng cà phê nước bạn có một tiêu chuẩn khác tốt hơn loại vừa nêu thì rõ ràng giá trừ lùi sẽ ít hơn.

Hiện nay về mặt chất lượng xuất khẩu thì chúng ta đã tiến bộ rất nhiều nhờ thiết bị chế biến hiện đại hơn, những nhà chế biến của chúng ta đã đạt được những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn rất nhiều và vì thế mà không những mua cà phê của họ không bị trừ lùi mà còn phải nói là “London Cộng” tức là giá London cộng thêm nữa. Đã xưa rồi cái thời mấy ông nước ngoài khi thấy năm nào có nắng tốt, cà phê ít đen thì đòi mua cà phê với tiêu chuẩn 8% đen vỡ (để mà trừ được nhiều hơn) còn năm nào mưa nhiều thì hỏi mua cà phê 5% đen vỡ. Những kiểu chơi như thế nay đã bị điểm mặt xưng tên.

Bây giờ chúng ta quay trở lại với kiểu mua bán trừ lùi.

Ví dụ ở thời điểm hiện nay (tháng 7) tôi đồng ý bán cho người mua 10 tấn tính theo giá thị trường London giao tháng 9 trừ lùi 100$, thì có nghĩa từ đây cho đến ngày thông báo đầu tiên (First Notice Day) của giao hàng tháng 9, tức là khoảng vào ngày 02/10, trong khoảng thời gian này vào bất kỳ ngày nào tôi cảm thấy đẹp trời là tôi có quyền gọi ra lệnh chốt giá, ngay cả khi vừa ký hợp đồng xong tôi cũng có quyền gọi chốt giá ngay. Như vậy qua đó chúng ta thấy bản chất của việc bán trừ lùi không có gì là sai hay rủi ro cả, vấn đề người ta bàn tán bán trừ lùi là rủi ro thì lại nằm ở những điểm khác:

  1. Chúng ta chưa bao giờ làm chủ được mức trừ lùi (hay giá trừ lùi) mà do người mua áp đặt, những người mua cho dù ở Châu Âu hay Châu Mỹ nhưng kỳ lạ một điều là họ luôn đặt ra được một mức trừ lùi thống nhất cho tại một thời điểm mua nào đó, trong khi cùng là người Việt Nam chúng ta lại không làm được điều tương tự.
  2. Khi bán trừ lùi, chúng ta để cho người mua thống kê được tổng lượng hàng mà chúng ta đã bán và sẽ giao nhưng chưa chốt giá xem như số phận của chúng ta đang chờ thị trường phán quyết, khác với bán chốt giá ngay thì số phận do chúng ta tự định đoạt. Từ đó họ nắm chắc trong tay số hàng họ sẽ có được vào ngày nọ tháng kia cho nên trừ khi núi lửa phun lên ở những vùng trồng cà phê Brazil họ mới nhảy ra nâng giá mua. Trong khi đó chúng ta không hề có một sự thống kê nào đáng tin cậy (hay là tôi không tìm thấy thống kê đó, nếu ai biết xin chỉ cho xem với) cho giới kinh doanh khả dĩ biết rằng hiện nay giới kinh doanh trong nước đã bán được khoảng bao nhiêu phần trăm ở dạng trừ lùi với những mức trừ lùi như thế nào rồi, nếu biết được điều đó, tôi tin chắc những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam sẽ có sự định hướng cần thiết phải bán kiểu gì trong thời gian tới.
  3. Chính vì sự đủng đỉnh của người mua khi đã biết có bao nhiêu cá trong đìa cho nên khi gọi đặt giá chốt trên thị trường sau những thời điểm này rất khó để mà khớp lệnh, bởi số lượng sắp hàng chờ đến phiên bạn khá dài, nóng ruột, sợ giá rớt thêm người bán lại hạ giá đặt lệnh xuống và cứ tranh nhau làm như thế khiến cho nhiều khi giá cà phê như xuống đèo mà thắng mất hơi, đến nước này thì bán London cộng cũng chết nữa là trừ lùi.
  4. Sẽ có nhiều người đọc đến đây và hỏi vậy tại sao những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam lại bán trừ lùi? Như tôi đã nói, thật ra sự bán trừ lùi không có tội tình gì cả nếu điều hành vĩ mô có một công cụ tốt hơn để giúp cho những nhà kinh doanh thống nhất với nhau về chiến lược. Nhưng thật tình vấn đề không chỉ ở đó mà còn ở một điểm khác nữa đó là tình hình sức khỏe tài chính của các công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam mà những tay tài phiệt nước ngoài hiện nắm rất rõ.Chúng ta đã thấy rất nhiều lần giá cà phê nội địa cao hơn giá thế giới (đây lại thuộc về một câu chuyện khác nữa) tại thời điểm như vậy thì bán làm sao, chốt giá ngay cũng lỗ mà trừ lùi cũng thấy ngay cái lỗ trước mắt, nhưng nhiều công ty vẫn phải bán để có hợp đồng làm cơ sở cho việc vay tiền, mà tiền lúc đó không phải để mua cà phê mà để đáo hạn Ngân hàng, tất nhiên trong trường hợp này không ai bán chốt giá ngay mà phải bán dạng trừ lùi để còn nuôi hy vọng (trong tuyệt vọng) là từ đây đến ngày mình chốt giá sẽ còn có cơ hội giá lên. Chúng ta chưa có được khả năng chủ động tài chính để mà lúc nào tốt thì bán, lúc nào giá không tốt thì nghỉ đi chơi.

Ngưng thua lỗ (Stop loss)

Không nhà kinh doanh cà phê nào là không biết thuật ngữ Ngưng Thua Lỗ này cho nên tôi không có ý định “múa rìu qua mắt thợ” khi giải thích, nhưng trên diễn đàn của bà con nông dân mình thì có lẽ không phải ai cũng biết cho nên tôi xin nói qua.

Khi nhà kinh doanh đã bán ở dạng giá London trừ lùi hay cộng thêm đi nữa tuy chưa chốt giá (chỉ mới chốt mức cộng hay trừ mà thôi) mà đã đến thời hạn giao hàng, hay muốn giao sớm để có tiền sớm thì hàng vẫn được giao, giá đóng cửa giao dịch trên thị trường London của ngày giao hàng sẽ được dùng như tạm tính để trả tiền cho người bán, nhưng chỉ được thanh toán trước 70% giá trị của lô hàng.

Ví dụ:
Bạn bán London tháng 9 trừ lùi 100USD nhưng chưa chốt giá, hôm thứ sáu vừa qua bạn đã giao hàng, giá hôm đó là 1730$ vậy trừ lùi đi 100$ còn lại là 1630$ giá này sẽ được dùng tạm tính để làm cơ sở thanh toán trước 70% cho bạn tức là 1630$ x 70% = 1141$/tấn. Đến đây có thể nói rằng bạn đang có “lòng tốt bất đắc dĩ” cho người mua mượn 30% giá trị tiền hàng mà không tính lãi, nhưng nói chuyện này bây giờ thì tôi sẽ bị lạc đề.

Sau đó bạn mòn mỏi chờ đợi cái ngày đẹp trời để gọi chốt giá thanh lý cho xong cái hợp đồng trên, nhưng vì những nguyên nhân mà tôi đã nêu ra cho nên ngày nào cũng đầy mây u ám, cũng có nhiều người dứt khoát chấp nhận hạ giá gọi để chốt cho xong, chấp nhận lỗ, nhưng một phần không nhỏ quyết chờ đợi đến cùng, cái giá 1630$ của ngày trước khi giao hàng nay trở thành giấc mơ đẹp trong quá khứ, và điều họ sợ đã đến đó là một khi giá xuống đụng đến mức 1141$/tấn thì theo hợp đồng lô hàng đó sẽ được tự động chốt giá để “Bảo vệ quyền lợi của người bán” không bị thua lỗ thêm nữa, tiếng Anh chuyên ngành gọi nó một cách lạnh lùng là “Stop Loss”. Điều này đã xảy ra không phải một lần và tôi chắc rằng sẽ vẫn còn tiếp tục.

Bạn hình dung xem, giả sử một người mua đang nắm trong tay khoảng vài chục ngàn lots (lot = 10 tấn) thì khi thị trường nằm trong khoảng 1400-1300USD/tấn tại sao họ không rao bán ra vài chục lots ở mức giá 1241$/t để cho bạn rớt luôn vào cái thế Stop loss, nhiều người đã phải nhận những cú này như phát súng ân huệ, cay đắng nhìn lô hàng mình mất đi đúng 1 phần 3 kèm theo phần khuyến mãi không lãi 30% giá trị lô hàng.

Các bạn đừng nghĩ rằng những điều tôi vừa phân tích ở trên chỉ tác động đến nhà kinh doanh mà không đụng chạm đến nông dân chúng ta, có đấy mà còn như là nạn nhân của máy bay trên trời rơi xuống nữa kia mặc dù các bạn không bay trên chiếc máy bay ấy.

Người nông dân một nắng hai sương để làm ra vài tấn cà phê một năm, vì nhiều lý do như không có kho hay nhà chật không có chỗ chứa, hoặc vì đem thế chấp thành quả của mình vào một đại lý mua cà phê nào đó để dễ dàng vay tiền chi dụng, lẽ dĩ nhiên những công ty mà nông dân gởi hàng vào đó phải sử dụng cà phê của người gởi như một đồng vốn để xoay vòng chứ không ai để nằm yên.

Thông qua các công ty có chức năng xuất khẩu trực tiếp họ cũng bán hàng trừ lùi hay cộng thêm và cùng gánh chịu những thiệt hại vô cùng to lớn, bạn nào rảnh hãy thử ngồi tính toán xem với sản lượng 1 triệu tấn hàng năm, trong đó bán trừ lùi chiếm khoảng 80% sẽ thấy cái máy tính 12 số không đủ để tính.

Nếu nghĩ rằng tôi nói quá lời, các bạn cứ vào Google và gõ tìm kiếm với từ khóa “đại lý cà phê vỡ nợ” để kiểm chứng.

Cái sự thua lỗ dĩ nhiên cũng không chỉ vì chừng đó nguyên nhân, nhưng những cú ngã đau tại một chỗ mà cứ lặp lại mãi thì thật không thể nào hiểu nổi, ước mong con cái sẽ giỏi hơn chúng ta để lấy về lại số tài sản mà lẽ ra bố mẹ chúng đã không đáng mất.

Tác giả: Kinh Vu (Y5cafe)

Các bài khác » Nhiều hơn

Gửi ý kiến