Tìm hiểu TT cà phê – Phần 4: Những tác động xấu khi giá tăng

Có lẽ mới đọc tiêu đề các bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên khi nghe nói tác động xấu khi giá tăng, bởi chúng ta ai cũng mong giá tăng cho bà con nông dân nhờ chứ ít khi nghe nói ngược lại, tuy nhiên…

…sẽ không tốt tý nào nếu giá tăng mạnh khi mà những nhà kinh doanh trước đó họ đã bán khống.

Bây giờ mời các bạn cùng nghiên cứu một kịch bản ví dụ với những chi tiết sau đây:

  • Trong thời điểm khoảng tháng 8 hay 9 đã có một số doanh nghiệp bán kỳ hạn giao hàng tháng 11/2010 với giá trừ lùi 120USD/tấn giao FOB Hồ Chí Minh, vì họ nhận định rằng đến tháng 11 này là bắt đầu vào thu hoạch cho nên giá có khả năng giảm.
  • Bắt nguồn từ suy nghĩ giá sẽ giảm trong tháng 11 cho nên có lẽ đã có một số doanh nghiệp chốt giá (fix) trong những thời điểm trước ví dụ họ đã chốt giá $1600 – 120 = $1480/tấn.

Trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến giá khi trồi khi sụt, nhưng sụt thì một bước mà tăng thì hai ba bước và đến hôm nay những doanh nghiệp đó bắt đầu đến thời hạn giao cho nên phải mua hàng vào.

Chúng ta cũng đã dễ dàng thấy giá hiện nay là 33.800đ+tiền bao+tiền vận chuyển đến cảng+chế biến thì sẽ tầm vào khoảng 34.350đồng/kg số tiền này tương đương với $1.760/tấn có nghĩa là đang lỗ khoảng $280/tấn khoảng chừng 5,4 triệu đồng/tấn.

Không những thế họ còn gặp một khó khăn thứ hai là sẽ khó mua được hàng từ nông dân vào thời điểm này, vì người dân có xu hướng giữ hàng lại khi thấy giá tăng, ở trong hoàn cảnh này thì cũng giống như đang trong tình trạng xin được chết mà không chết được vậy.

Để thoát ra khỏi tình trạng bán sống bán chết này trên thị trường cà phê (và cũng chung cho các thị trường dạng chứng khoán) có một cách xin được chết với thuật ngữ là wash-out tôi xin tạm dịch sang tiếng Việt là rũ bỏ.

Trong trường hợp trên thì cái công việc wash-out sẽ là thông qua những nhà môi giới hay người mua hàng của mình người bán sẽ ra lệnh mua hàng theo kiểu bám đuổi diễn tiến thị trường để mua lại cho đủ số mà trước đây mình đã ký bán, để mà lấy số hàng đó giao cho người mua của mình nếu không muốn bị mang tiếng phá ngang hợp đồng hay nôm na gọi là xù hợp đồng (default). Ôi đau khổ cho cái nghề kinh doanh cà phê của chúng ta, nhiều khi bệnh sĩ chết trước bệnh tim.

Khi mà một nước đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê có nhiều nhà kinh doanh cùng rơi vào cái thế rượt theo cái giá mua trên thị trường thế giới (bây giờ chạy sang đi mua lại chứ không còn là bán nữa đâu nhé) để mà có hàng giao thì giá thị trường sẽ tăng lên ảo, ai là người muốn tăng giá lúc này? Xin thưa không loại trừ đó là những người trước đây đã đi mua hàng của chúng ta đấy.

Tôi viết bài này không chỉ nhằm mục đích để chúng ta cùng tìm hiểu khơi khơi về thị trường cà phê để mà hí luận với nhau cho vui, mà còn với mong ước đưa ra một vấn đề để bà con nông dân cùng thông cảm với các doanh nghiệp kinh doanh cà phê của chúng ta, thật là họ cũng không dễ dàng gì để lèo lái con thuyền doanh nghiệp, chúng ta sẽ thấy giá lên cũng chết mà giá xuống cũng chết, thuyền càng to thì sóng càng lớn. Thử hỏi không có những nhà doanh nghiệp thì ai sẽ đưa cà phê ra thị trường thế giới?

Qua điểm này tôi cũng mong những nhà hoạch định kinh tế, những nhà nghiên cứu vĩ mô với sở học của mình có thể nghiên cứu giải pháp định hướng chiến lược ngành cà phê.

Tác giả: Kinh Vu (Y5cafe)

Các bài khác » Nhiều hơn

Gửi ý kiến